Bí kíp bắt bài người phỏng vấn
28/06/2018 832

Quá trình phỏng vấn tại mỗi công ty thông thường sẽ trải qua từ 2-3 vòng phỏng vấn hoặc kèm theo bài test (nếu có) phụ thuộc vào quy trình phỏng vấn ở mỗi công ty, vị trí ứng tuyển, đặc thù chuyên môn công việc,… Dưới dây, chúng tôi sẽ đưa ra một số gợi ý về những câu hỏi thường gặp trong quá trình phỏng vấn dành cho bạn tham khảo và chuẩn bị tâm lí thật tốt để nắm bắt cơ hội việc làm tốt nhất về tay mình nhé!
- Tìm hiểu về bạn: “Bạn hãy giới thiệu về bản thân, quá trình học tập và kinh nghiệm làm việc của bạn?”
Thông thường, trải qua vòng xét duyệt CV, nhà tuyển dụng đã có một cái nhìn sơ lược cũng như ấn tượng nhất định về các ứng viên. Bước vào vòng phỏng vấn đều là những người họ quan tâm và muốn tìm hiểu sâu trước khi quyết định tuyển dụng cũng như kiểm tra những thông tin trong CV. Vậy nên, nếu nhà tuyển dụng hỏi kĩ về những kinh nghiệm, thành công hay thất bại cụ thể của bạn thì điều đó cho thấy họ thực sự đang rất quan tâm và muốn tìm hiểu thêm về bạn. Hãy nỗ lực thể hiện mình bằng cách giao tiếp ứng xử thông minh, nhanh nhạy.
- Bạn nên: giới thiệu ngắn gọn, chọn lọc các thông tin cơ bản nhất như: Tên, tuổi, tình trạng hôn nhân, kinh nghiệm làm việc có liên quan đến vị trí ứng tuyển, mục tiêu nghề nghiệp của bản thân trong thời gian tới và đó chính là lí do bạn mong muốn gia nhập công ty.
- Bạn không nên:
+ Giới thiệu vòng vo, lan man, không tập trung vào vị trí bạn đang ứng tuyển
+ Không biết bản thân đang cần điều gì từ phía Nhà tuyển dụng, không hiểu rõ vị trí mình đang ứng tuyển
- Kinh nghiệm làm việc/Kĩ năng/Sự hiểu biết của bạn đối với vị trí ứng tuyển?
Ngày nay, đứng trước nhu cầu về việc làm ngày càng tăng cao, mỗi công ty đều có rất nhiều sự lựa chọn và đòi hỏi từ phía ứng viên. Phần lớn các công ty đều cần người đã có kinh nghiệm hoặc đã trải qua quá trình đào tạo về chuyên môn, chuyên ngành có liên quan, có kĩ năng, có tư duy và tố chất tốt. Bởi vậy, trước khi quyết định gửi Đơn ứng tuyển bạn nên tìm hiểu kỹ về vị trí và level nhà tuyển dụng đang tìm kiếm.
Ví dụ: Đối với các vị trí Lập trình viên, Công ty CO-WELL luôn ghi rõ Level, yêu cầu kinh nghiệm cụ thể đối với mỗi vị trí như:
- Fresher Developer (không yêu cầu kinh nghiệm)
- Junior Developer (< 1 năm kinh nghiệm)
- Senior Developer (> 2 năm kinh nghiệm)
- …
Một lưu ý nhỏ đối với bạn, khi liệt kê những kinh nghiệm có liên quan tới vị trí ứng tuyển, ngoài việc chỉ ra cho NTD biết những gì bạn đã làm trong quá khứ và hiện tại thì bạn cần khéo léo chỉ ra cho họ biết được những điểm mạnh, những lợi thế (kĩ năng, sự hiểu biết) và sự phù hợp của bản thân với vị trí họ đang tìm kiếm. Dù bạn đã có kinh nghiệm hay chưa thì một điều nên nhớ là hãy thể hiện bạn là một người có thái độ thiện chí với công việc, có tinh thần cầu tiến và họ nhìn thấy ở bạn là một người tự tin nếu bạn muốn nắm chắc phần thắng trong tay.
- Điểm mạnh của bạn là gì?
Hãy chỉ ra những điểm tích cực của bạn có liên quan đến công việc bạn muốn xin vào. Đó có thể là những điểm tốt thuộc về chuyên môn hoặc tính cách.
- Điểm yếu của bạn là gì?
Mỗi người đều có điểm yếu. Vì thế, đừng dành quá nhiều thời gian để nói về điểm yếu của mình, nhất là những điểm yếu có liên quan đến công việc. Tốt nhất là bạn nên nói về 1 hoặc 2 điểm yếu vô hại với công việc. Kiểu như “Tôi có tính hơi quá cẩn thận. Làm việc gì cũng phải chi li, kỹ lưỡng”. Với mỗi điểm yếu mà bạn kể ra, hãy cho nhà tuyển dụng thấy luôn là bạn đã có sẵn điểm mạnh để khắc phục điểm yếu đó. Kiểu như là: “Tính tôi quá cẩn thận. Vì thế, tôi làm việc hơi chậm. Nhưng bù lại, tôi rất nhiệt tình làm thêm giờ, và chăm chỉ”.
- Trong công việc cũ, bạn đã từng có thành tích gì?
Hãy nói về 2-3 dự án thành công mà bạn từng đảm nhận. Bạn có thể nói cụ thể luôn là thông qua những dự án thành công ấy mà bạn đã được thưởng hoặc tăng lương như thế nào. Chú ý: bạn nên chọn những dự án thành công về chất lượng hơn là nói về những dự án mà bạn đã kiếm được kha khá tiền thưởng.
- Điều gì là động lực giúp bạn hăng say làm việc?
Lẽ thường, bạn sẽ nghĩ đến tiền thưởng, tăng lương, các quyền lợi khác mà công ty dành cho bạn… sẽ thúc đẩy bạn cố gắng làm việc. Tuy nhiên, hãy nói về thành quả đạt được trong công việc và niềm vui của bạn khi vượt qua một thử thách. Đó mới chính là động lực… trong sáng để giúp bạn tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng.
- Khi bị stress vì công việc, làm thế nào để bạn có thể vượt qua những áp lực này?
Tập luyện thể thao, đọc sách, xem truyện cười, vui chơi cùng bạn bè, xách xe vi vu đâu có một lúc rồi quay về công việc… được xem là câu trả lời khôn ngoan. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng thực ra, nhà tuyển dụng có thể biết được cách bạn sẽ xử lý stress thế nào vì trong buổi phỏng vấn, ít nhiều bạn đã bị stress với những câu hỏi của nhà tuyển dụng. Vì thế, cách tốt nhất khi trả lời phỏng vấn là hãy bình tĩnh, trả lời rành rọt, cẩn thận. Không nên để nhà tuyển dụng thấy được bạn “toát mồ hôi hột” vì những câu hỏi hóc búa của họ.
- Lý do bạn nghỉ việc tại công ty cũ?
Một trong những câu hỏi phổ biến khi tham gia phỏng vấn chính là “Vì sao bạn nghỉ việc ở công ty cũ”? Hãy cẩn thận. Đừng xem đây là cơ hội để kể tội sếp cũ và cũng đừng trả lời đại loại như “Tôi cần một công việc lương cao hơn”. Câu trả lời lý tưởng trong trường hợp này là: “Tôi muốn tìm kiếm thêm cơ hội phát triển nghề nghiệp của mình”.Tuy nhiên, với những ứng viên được nhà tuyển dụng đánh giá cao, họ sẽ không chỉ dừng lại ở việc hỏi lí do mà thêm vào đó là bạn có thể áp dụng những gì từ công ty cũ vào công việc mới nếu được tuyển dụng. Đây là một trong những tín hiệu cho thấy nhà tuyển dụng thực sự muốn tuyển bạn vào làm việc tại công ty của họ.
- Mức lương bạn mong muốn?
Khi mà nhà tuyển dụng thật sự quan tâm đến bạn thì họ sẽ đặt câu hỏi về mức lương bạn mong muốn. Điều này nhằm mục đích dò xem mức lương đó có phù hợp với khả năng và yêu cầu công việc, cũng như thử thách bạn về cách xử sự khi đối mặt với những tình huống nhạy cảm như vậy. Vậy nên khi được hỏi về vấn đề này, có hai cách bạn có thể chọn. Một là nói trực tiếp mức lương bạn mong muốn để xứng đáng với công sức bạn bỏ ra, tất nhiên là sau khi tham khảo các thông tin về vị trí tương tự. Hai là hẹn câu trả lời sau khi vượt qua vòng phỏng vấn. Điều này phụ thuộc vào cách ứng xử của bạn sao cho phù hợp với cách thức phỏng vấn và văn hóa của công ty.
- Kế hoạch của bạn nếu được tuyển dụng?
Thường vào cuối quá trình phỏng vấn, khi nhà tuyển dụng đề cập đến vấn đề tương lai gần của bạn nếu được tuyển dụng, đó chính là một dấu hiệu cho thấy bạn đã thành công trong việc gây ấn tượng tốt với họ. Hãy tự tin khẳng định kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm của bạn bằng những chiến lược cụ thể cho công việc đó cũng như hi vọng được cống hiến và gắn bó lâu dài với công ty. Chắc chắn điều này sẽ giúp bạn câu trả lời đồng ý đến từ nhà tuyển dụng.
Trên đây là một số gợi ý về những câu hỏi thường gặp trong quá trình phỏng vấn, hãy chuẩn bị thật tốt về diện mạo và tinh thần để sẵn sàng gia nhập Co-well các bạn nhé!
Chúc bạn thành công!