LANDING PAGE CHO TRANG E-COMMERCE – TỐI ƯU NHƯ THẾ NÀO?
25/01/2021 1232

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam trước giờ vẫn chưa chú trọng hay để ý đến sự quan trọng của các Landing Page trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (E-Commerce). Tuy nhiên, trên thực tế, các Landing Page độc lập rất quan trọng trong E-Commerce khi cung cấp cho khách truy cập sự tập trung cao độ vào một khuyến mại hay một sản phẩm trọng tâm nào đó, tránh bị làm phiền bởi những thông tin không liên quan cản trở họ thực hiện hành động mua hàng.
Trong bài viết này, bằng kinh nghiệm 10 năm thiết kế và phát triển website cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, CO-WELL Asia sẽ làm rõ và chia sẻ một số tư duy, cách làm cần thiết để tạo ra các trang Landing Page thành công cho E-Commerce.
Xem thêm: Cách tối ưu tỷ lệ chuyển đổi cho website bán hàng
Tại sao cần E-Commerce Landing Page
Landing page là một trang độc lập trên website được sử dụng để phục vụ mục đích dẫn dắt người truy cập thực hiện 1 hành vi nhất định nào đó bằng cách xây dựng nội dung tăng tính thuyết phục. Các nội dung này sẽ được trình bày theo bố cục đẹp, dễ nhìn dễ đọc, phù hợp trên mọi thiết bị. Các hành vi ở đây thường sẽ là:
- Mua hàng/sử dụng dịch vụ.
- Điền form để được tư vấn, nhận quà tặng
- Đăng ký tài khoản
- Download ứng dụng
- Đăng ký sự kiện
- Một số trường hợp đặc thù phù hợp với mục đích marketing của từng sản phẩm/dịch vụ cụ thể.
Đây thường là trang đầu tiên được truy cập vào sau khi người dùng nhấp vào liên kết trong quảng cáo, Email Marketing hoặc kết quả tìm kiếm tự nhiên trên Google,… Landing page thường là bước thứ hai trong phễu bán hàng của bạn, sau bước thứ nhất là email marketing, quảng cáo mạng xã hội, hoặc marketing công cụ tìm kiếm SEO/SEM.
Một ví dụ dễ hiểu hơn là khi bạn đang kinh doanh dịch vụ spa và thẩm mỹ viên, nhân dịp Tết âm lịch đang đến gần, nhu cầu làm đẹp của phái nữ tăng cao. Và bạn quyết định quảng bá cho dịch vụ mới bằng cách chạy một chiến dịch Facebook marketing. Và đối tượng là khách hàng nữ từ 25-35 tuổi. Quảng cáo bạn chạy đó sẽ liên kết về landing page, nơi đối tượng được xem những thông tin tập trung về chương trình khuyến mãi cùng form điền thông tin để nhận tư vấn. Đây là những khách hàng tiềm năng thực sự có nhu cầu, nắm được contact của họ, bạn có cơ hội chuyển đổi thành người mua dịch vụ cuối cùng.
Landing page của một thẩm mỹ viện tập trung vào các nội dung khuyến mãi dịp Tết giúp tăng chuyển đổi
Lợi ích của Landing page phải kể đến là giúp doanh nghiệp tập trung thực hiện một mục đích tiếp thị cụ thể. Nếu một người nào đó quan tâm nhấp vào quảng cáo của bạn, mà quảng cáo này lại dẫn họ đến trang chủ của website (home page), họ sẽ ngay lập tức cảm thấy choáng ngợp vì quá nhiều nội dung, sản phẩm. Họ sẽ bối rối không biết nên nhấp vào cái gì để nhận những ưu đãi đặc biệt? Những ưu đãi đó là gì? Những ưu đãi đó có phù hợp với mình không? Họ sẽ nhanh chóng thấy khó chịu và rời khỏi trang của bạn, cũng như sẽ không làm theo bất kỳ lời kêu gọi hành động nào mà bạn mong muốn. Điều này đồng nghĩa với việc bạn không thể chuyển đổi những khách truy cập mới mà bạn phải trả tiền. Tuy nhiên, nếu bạn có một landing page độc lập, được tối ưu tốt với những nội dung thuyết phục dành riêng để đạt được mục đích tiếp thị, bạn có thể chuyển đổi đối tượng truy cập thành khách hàng tiềm năng.
Landing page cho E-commerce – Tối ưu như thế nào để tăng tỉ lệ chuyển đổi
Thực tế, có một trang Landing Page không phải là một giải pháp kỳ diệu, tuy nhiên, điều quan trọng là phải đủ thông minh để tối ưu nó. Landing Page không có một công thức chung nào để tạo ra cả, trong E-Commerce thì càng không, vì mỗi sản phẩm và đối tượng khác nhau sẽ cần có Landing page khác nhau. Tuy nhiên, CO-WELL Asia sẽ chỉ ra những bước làm và yếu tố mà gần như tất cả các trang landing page thành công trên thế giới đều có.
1. Nghiên cứu người dùng và phân tích đối thủ cạnh tranh
Hãy đảm bảo rằng landing page của bạn đang hướng đến một tập đối tượng cụ thể, sử dụng các nội dung đánh trúng vấn đề và nhu cầu của họ. Landing page cần phải chứa nội dung ưu đãi độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút và níu chân khách truy cập, cũng như cho họ biết điều gì khiến bạn nổi bật hơn so với các doanh nghiệp cung cấp cùng sản phẩm/dịch vụ và tại sao họ có thể tin cậy bạn. Để làm được điều này, hãy nghiên cứu kỹ lưỡng khách hàng và đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
2. Tạo ra một bản prototype:
Lên khung sườn (wireframe) và nguyên mẫu (prototype) cho landing page là khâu cơ bản nhưng cũng rất quan trọng trong thiết kế web. Prototype là “mẫu thử đầu tiên” của trang web mà người dùng có thể thử thực hiện tương tác và sử dụng. Prototype giúp bạn kiểm tra cấu trúc trang trông như thế nào, luồng thông tin và thao tác của khách hàng trên web, cũng như lượng nội dung cần thiết trên trang.
Bố cục giao diện cũng rất quan trọng. Sau khi khách hàng vào trang, họ chỉ dành vài giây để lướt qua toàn bộ nội dung, nếu không làm họ ấn tượng trong khoảng thời gian ngắn ngủi này thì họ sẽ nhanh chóng rời khỏi web. Vì vậy bạn cần làm cho phần đầu trang trở nên thu hút nhất với tiêu đề gây chú ý và hình ảnh bắt mắt. Mục tiêu chính là thu hút sự chú ý và duy trì sự quan tâm của người xem. Dẫn dắt hành động của họ (ví dụ: nhấp vào đây hoặc cuộn xuống). Thêm các yếu tố thể hiện sự cam kết như chứng chỉ hoặc review của các khách hàng đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
3. Xác định hành động mà bạn mong muốn người truy cập thực hiện nhất
Một landing page – một hành động. Quy tắc vàng này là điều kiện tiên quyết giúp các trang landing page có tỉ lệ chuyển đổi cao. Bạn cần một thiết kế tập trung điều hướng khách truy cập thực hiện một hành động cụ thể, có thể là mua sản phẩm, điền form nhận tư vấn, đăng ký tham gia sự kiện, download ứng dụng,…
4. Nhấn mạnh vấn đề của khách hàng và sản phẩm của bạn giải quyết chúng như thế nào
Thông thường, mọi người sẽ mua sản phẩm/ sử dụng dịch vụ để giải quyết vấn đề họ đang gặp phải. Vì vậy, nếu bạn muốn tạo một landing page có tỉ lệ chuyển đổi cao, hãy nắm bắt được pain point của khách hàng và cung cấp thông điệp/ nội dung chứng minh được sản phẩm/dịch vụ của bạn sẽ giải quyết chúng như thế nào.
Có thể lấy ví dụ về thương hiệu Comfort như sau: Khi giặt quần áo bằng bột giặt hàng ngày, các khách hàng nữ thường phải xả nhiều lần thì mới có thể sạch hết lượng xà phòng. Việc này không chỉ khiến họ tốn nhiều thời gian mà còn ảnh hưởng đến da tay. Thấu hiểu được vấn đề này, nước xả vải Comfort với thông điệp “Chỉ 1 lần xả là đủ”, đẩy mạnh truyền thông công nghệ cắt bọt xà phòng hiện đại đã nhận được phản hồi tốt từ người tiêu dùng.
5. Thêm lời cam kết của thương hiệu
Có bao nhiêu phần trăm khách hàng sử dụng cảm nhận tốt về dịch vụ của bạn? Chính sách hoàn trả của bạn là gì? Nếu khách hàng không hài lòng về dịch vụ sẽ nhận được gì? Nếu bạn tin tưởng vào sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp và sẵn sàng cho khách hàng thấy điều đó, hãy đặt nó ở nơi nổi bật nhất trên website. Khi bạn dám chịu trách nhiệm, dám nhận rủi ro thì khách hàng sẽ cảm thấy tin tưởng hơn, khả năng họ quyết định mua hàng cũng cao hơn.
Neil Patel, người đồng sáng lập ra Crazy Egg và Hello Bar đã nói rằng ông nhận thấy doanh số của mình tăng 21% khi thêm một lời đảm bảo vào website. Hay Slyde, một cửa hàng bán ván trượt, đã dành một phần trong trang sản phẩm của mình để đưa ra một lời đảm bảo cho khách hàng. Vì họ hiểu rằng nếu muốn khách hàng tin tưởng mình thì phải cho khách hàng thấy chính nhà cung cấp cũng có niềm tin với chất lượng sản phẩm thế nào.
6. Tạo niềm tin bằng những đánh giá chân thực của khách hàng
Khi thương hiệu chưa phổ biến và đây là lần đầu tiên khách hàng biết đến dịch vụ của bạn, họ có thể hoài nghi về chất lượng và đắn đo có nên sử dụng hay không. Vậy làm thế nào để thuyết phục được khách hàng thử sản phẩm/dịch vụ của mình? Câu trả lời chính là các đánh giá, bình luận của các khách hàng khác đã từng trải nghiệm dịch vụ. Theo một khảo sát, 63% người truy cập sẽ mua hàng từ những trang web/ landing page có đánh giá hơn là những trang không có.
Bên cạnh việc chấm điểm, rate bằng sao, hãy sử dụng thêm những nhận xét bằng văn bản hoặc tốt nhất là hình ảnh/video thể hiện hiệu quả trước-sau sử dụng dịch vụ/sản phẩm. Theo một khảo sát, khả năng khách hàng lựa chọn sản phẩm/dịch vụ sẽ tăng 144% sau khi xem một video. Video của bạn chẳng cần cầu kỳ, long lanh; sự đơn giản sẽ đem lại cảm giác chân thực hơn, ví dụ như một video khách hàng tự quay nói về trải nghiệm tại spa chẳng hạn.
Thêm một lưu ý là khi bạn nhận được đánh giá từ khách hàng, hãy xin phép họ cho phép được sử dụng tên thật để đăng lên. Đọc nhận xét của một cá nhân định danh chắc chắn sẽ mang lại cảm giác đáng tin cậy hơn là một lời đánh giá ẩn danh phải không?
7. Luôn sẵn sàng để tư vấn
Đôi khi thông tin cung cấp trên landing page thôi vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Lúc này, việc tư vấn trực tuyến là vô cùng cần thiết. Phản hồi khách hàng kịp thời vào thời điểm nhu cầu khách hàng đang ở mức cao nhất sẽ tăng chuyển đổi trên website. Tuy nhiên, rất khó để có đủ số lượng nhân viên hoạt động 24/7 để tư vấn trực tuyến cho cả ngàn người truy cập, vậy nên ứng dụng chatbot sẽ giúp cho bạn trả lời kịp thời những câu hỏi cơ bản của khách hàng (thông tin dịch vụ, giá thành, chính sách khuyến mãi,..) trước khi nhân viên thật vào tư vấn.
Tích hợp chức năng chat với nhân viên tư vấn ngay trên website giải đáp thắc mắc cho khách hàng kịp thời
Bạn có thể mua và sử dụng các nền tảng chatbot đang thông dụng hiện nay như: Chatfuel, Harafunnel. Hoặc để thuận tiện hơn, bạn cũng có thể tích hợp Facebook Messenger chatbot vào website của mình.
Một vài lưu ý khác, khi trò chuyện trực tiếp, hãy nói rõ với khách truy cập website rằng họ thực sự đang nói chuyện với ai, vị trí gì để khách hàng cảm thấy tin tưởng hơn. Bên cạnh đó, trả lời càng nhanh càng tốt trong khi nhu cầu của khách hàng đang cao, cũng như chưa tham khảo thêm các nhà cung cấp khác.
8. Đặt nút CTA rõ ràng
CTA (Call To Action) hay còn gọi là nút Kêu gọi hành động là một hyperlink/nút bấm để kêu gọi, hướng người dùng thực hiện hành động cụ thể nào đó. CTA cần đặt ở vị trí dễ nhìn thấy với phần text ngắn gọn (từ 2-3 chữ), thể hiện đúng hành động mà bạn muốn định hướng cho khách hàng.
Về màu sắc cho các nút kêu gọi hành động này, bạn cần nắm chắc quy tắc :
- Màu nền của nút cần nổi bật hoặc tương phản so với màu nền của website.
- Màu chữ trên nút CTA cần nổi bật và tương phản so với màu nền của nút.
Lưu ý thêm là đối với người mới lần đầu truy cập vào landing page của bạn, nếu có quá nhiều CTA khác nhau trên cùng một trang có thể khiến người dùng bị quá tải, hoang mang hay nhầm lẫn vì không biết phải thực hiện hành động nào, phải ấn vào đâu mới đến đích mà họ muốn. Quá nhiều lựa chọn có thể khiến khách hàng tự hỏi họ muốn gì, và có thể thấy rắc rối hay khó chịu với bạn. Hãy giữ cho mọi thứ thật đơn giản chỉ với MỘT lời kêu gọi hành động chất lượng cho mỗi trang, như vậy có thể thúc đẩy người truy cập khám phá, hành động nhiều hơn, và chắc chắn tỷ lệ chuyển đổi cũng sẽ tăng.
9. Thêm tính cấp thiết
Một trong những cảm xúc mạnh mẽ nhất mà các doanh nghiệp có thể đánh vào để tăng chuyển đổi trên landing page chính là nỗi lo sợ bỏ lỡ. Việc tạo ra tính cấp thiết sẽ buộc khách hàng phải tự hỏi liệu họ có thể gặp phải nguy cơ nếu không mua ngay lúc đó hay không, từ đó tạo thêm động lực cấp thiết cho họ đưa ra quyết định mua hàng sớm hơn.
Có 2 loại cấp thiết bạn có thể tạo:
- Sự khan hiếm liên quan đến số lượng (VD: Còn lại 2 slot với mức giá ưu đãi này)
- Sự khan hiếm liên quan đến thời gian (VD: Chỉ còn 2 ngày cuối cùng để mua)
Tuy nhiên, đừng lừa dối khách hàng của mình bằng việc bịa ra sự cấp thiết giả, liên tục ra hạn thời gian và số lượng khuyến mại. Nếu để khách hàng biết, họ sẽ chẳng quý trọng những đợt khuyến mãi sau của cửa hàng, cũng như mức độ tin cậy của thương hiệu bạn sẽ giảm mạnh. Uy tín mà bạn xây dựng không đáng để đánh đổi đúng không?
Tham khảo một số landing page trên thế giới
1. Airbnb
Airbnb là một startup với mô hình kết nối người cần thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới. Để thuyết phục người truy cập tham gia cộng đồng chủ nhà, Airbnb cung cấp một số tính năng cá nhân hóa hấp dẫn trên landing page của mình như: Ước tính thu nhập trung bình hàng tuần của chủ nhà dựa trên vị trí nhà cho thuê. Bạn có thể nhập thông tin về địa chỉ, kiểu nhà (toàn bộ nhà, phòng riêng, phòng chung) để có được dự đoán thu nhập tiềm năng của mình khi tham gia cộng đồng chủ nhà Airbnb.
Nút CTA được đặt ở đầu trang nổi bật, rõ ràng giúp điều hướng người truy cập click vào và tăng tỉ lệ chuyển đổi cho landing page.
2. Spotify
Shopify là nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng cho phép doanh nghiệp tạo ra website bán hàng online (E-Commerce) với tính năng giỏ hàng và thanh toán, xử lý đơn hàng, bán hàng đa kênh,… Giống như nhiều trang landing page khác, Shopify thiết kế cho mình một giao diện đơn giản, tập trung. Không dài dòng, không đi vào tiểu tiết, không chú trọng giới thiệu các tính năng và lợi ích của sản phẩm, chỉ 1-2 dòng giới thiệu và CTA. Người truy cập chỉ cần điền một vài trường thông tin đơn giản. Tất cả điều này giúp Shopify có được tỉ lệ chuyển đổi cao hơn trên landing page của mình.
3. MuzzleApp
Landing page giúp người truy cập quyết định xem sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn có thực sự xứng đáng với thời gian, năng lượng và tiền bạc của họ hay không. Còn cách nào tốt hơn để truyền đạt rõ ràng những giá trị của mình hơn là cho khách truy cập thấy rõ những vấn đề mà sản phẩm/dịch vụ của bạn sẽ giúp họ giải quyết?
Muzzle, một ứng dụng trên mac có chức năng tắt thông báo trên màn hình đã áp dụng hình thức này. Khách truy cập vào trang được “chào đón” bằng một cuộc tấn công ồ ạt của các thông báo hiện ra phía bên trái màn hình. Landing page với hình ảnh động không chỉ vui nhộn mà còn truyền tải một cách hấp dẫn, mới lạ tính hữu ích của ứng dụng mà không cần những đoạn văn mô tả dài dòng.
Kết lại
Hy vọng bài viết này đã giúp các bạn có một cái nhìn tổng thể về landing page của website bán hàng E-Commerce và nắm được một số tips làm thế nào để gia tăng tỷ lệ chuyển đổi cho trang. Đừng quên rằng việc chú ý đến từng yếu tổ nhỏ sẽ dẫn đến việc gia tăng chuyển đổi tổng thể của website. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì trong quá trình xây dựng và thiết kế landing page cho trang E-Commerce, hãy LIÊN HỆ ngay với CO-WELL Asia để được tư vấn miễn phí. Với hơn 10 năm trong lĩnh vực tư vấn và triển khai phát triển website cho các khách hàng trong và ngoài nước, CO-WELL Asia cam kết mang đến cho bạn giải pháp landing page chất lượng, hoàn chỉnh, tạo dấu ấn riêng trên thị trường trực tuyến cạnh tranh.